Theo ghi nhận của phóng viên, lực lượng chức năng vẫn túc trực, phong tỏa đầu hẻm 124 trên đường Phạm Thế Hiển – nơi xảy ra vụ cháy.
Khâu kiểm soát người ra vào khu vực này được thực hiện nghiêm ngặt, người dân muốn vào bên trong phải chứng minh được có mối quan hệ với người sống trong khu xóm gỗ hoặc phải được người thân bên trong dẫn vào.
Một số người dân bị thiệt hại trong vụ cháy cũng đã có mặt tại hiện trường vào sáng nay. Khi xem lại cảnh toan hoang sau “biển lửa”, họ để lộ vẻ mặt đau lòng, tiếc nuối vì nhà cửa, tài sản của mình đã biến thành tro.
“Máy giặt, tủ lạnh, ti vi vừa trả góp xong, giờ cháy thành tro”
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Trần Thị Ngọc (SN 1980) cho biết chị gồm 5 người: Vợ chồng chị, cha mẹ già (hơn 70 tuổi) và con trai (đang học đại học năm 3) sống tại xóm gỗ cũ gần 30 năm qua. Nhà chị cách nơi xảy ra hỏa hoạn chỉ 2 căn, nên cũng bị thiêu rụi toàn bộ trong đêm.
Theo lời chị Ngọc, thời điểm xảy ra vụ cháy, vợ chồng chị và con trai không có ở nhà, chỉ có duy nhất cha mẹ già trong căn nhà gỗ.From: web game casino
Khi nhận tin khu nhà mình bị cháy, vợ chồng chị hốt hoảng chạy xe vội về nhà. Từ cầu chữ Y nhìn xuống khu xóm nhà mình bùng lửa lớn, chị Ngọc run rẩy đến suýt ngất vì lo cho cha mẹ ở nhà.
“Cầu chữ Y lúc đó là kẹt cứng dòng người, vợ chồng tôi vừa chạy xe vừa hô toáng lên: “Nhà tôi đang cháy, xin nhường đường”. Gần đến nhà, chồng tôi quăng luôn xe máy ở bên lề đường rồi chạy thật nhanh để tìm cha mẹ.
Lúc đó, người trong xóm đã chạy loạn xạ, mạnh ai nấy thoát thân. Trong sự hỗn loạn của biển lửa, tôi hoảng hốt đi hỏi từng người “có thấy ông bà Hai (cha mẹ của chị Ngọc – PV) ở đâu không?”. May mắn, nhờ người quen chỉ giúp tôi nhìn thấy cha mẹ mình đã an toàn rời khỏi khu vực xảy ra hỏa hoạn”, chị Ngọc kể lại.
Theo chị Ngọc, khi ra khỏi đám cháy, cha mẹ chị lên cơn tăng huyết áp rồi chuyển mệt. Gia đình lập tức đưa ông bà đi cấp cứu, hiện đã ổn định.
Chị Ngọc nói thêm: “Cha mẹ tôi giờ đang ở nhờ nhà hàng xóm, tối qua chúng tôi định đưa ông bà về khách sạn ngủ tạm nhưng họ nhất quyết không chịu đi, chắc vì tiếc của”, chị Ngọc thở dài.
Về phần chị Ngọc, thấy cha mẹ được an toàn chị thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, nỗi đau mất mát tài sản như đang “cứa” ruột gan. Dù chỉ là căn nhà gỗ thô sơ nhưng đó cũng là nơi nương náu của gia đình chị mấy chục năm qua.
“Tôi tiếc nuối đủ thứ. Máy giặt, tủ lạnh và vừa mới được chúng tôi trả góp xong, chưa kịp mừng thì giờ thành tro bụi. Con trai tôi cũng khóc nghẹn vì máy tính, điện thoại và giấy tờ học tập đều mất hết. Thậm chí, con heo đất dành dụm mấy năm trời của con cũng không kịp mang theo”.
Sau 1 đêm thành… người “vô sản”
Anh Tô Văn Khỏe (SN 1998) – chủ nhân của căn nhà vừa bị thiêu rụi trong trận hỏa hoạn – cũng kể lại, dù ngọn lửa lớn được dập tắt nhưng đến nay anh vẫn chưa hết bàng hoàng trước cảnh tượng xảy ra với gia đình mình vào tối 1/4.
“Lúc đó, tôi và ông anh đang ngồi chơi ở trước nhà thì thấy lửa bốc cháy từ phía kho gỗ ở nhà bên cạnh. Chúng tôi hoảng hốt chạy kêu chủ kho mở cửa thì ngọn lửa đã bùng mạnh, không thể kịp xử lý. Ngọn lửa bắt đầu cháy lan sang nhà tôi rồi bùng cháy lớn”, anh Khỏe kể lại.
Trong cơn hỗn loạn, anh Khỏe vội vàng ôm đứa con gái 6 tuổi đang khóc to, chạy vụt ra khỏi nhà. Sau đó, anh nhanh chóng quay lại dìu người mẹ 60 tuổi rời khỏi biển lửa. Vừa chạy anh vừa hô toáng lên cho người dân xung quanh hay tin.
“Ngọn lửa ngày càng bùng lên cao, tôi chẳng kịp nghĩ gì, chỉ biết cùng người thân tháo chạy. Lửa cháy nhanh, lúc đó tôi còn chẳng kịp mang dép, nói chi là mang theo đồ”, anh Khỏe kể lại.
Anh Khỏe nói, anh nhẹ nhõm khi gia đình mình được “thoát thân”, tuy nhiên sâu thẳm trong anh luôn ẩn chứa sự tuyệt vọng khi thấy nhà cửa, tài sản của gia đình biến thành tro.
Hơn 20 năm qua, căn nhà gỗ là nơi gia đình anh vừa “che mưa che nắng” vừa là nơi kiếm kế sinh nhai bằng nghề buôn bán gỗ. Dẫu cái nghề này không giúp gia đình anh được khá giả như người ta, nhưng đây là “chén cơm” nuôi sống gia đình anh bao năm qua.
Vậy mà, ngọn lửa tối 1/4 đã biến gia đình anh từ những người lao động nghèo, giờ đây chính thức trở thành người “vô sản”.
“Tôi mừng vì mẹ và con gái được an toàn, nhưng lòng đau thắt vì thấy nhà cửa không còn gì. Giờ nhà cửa như thế, tôi cũng không biết tính như thế nào, lòng của tôi đầy rối rắm”, anh Khỏe nghẹn ngào.
Cha ruột của anh Khỏe – ông Tô Văn Dũng – ngồi cạnh, tiếp lời con trai. Dù giữ được bình tĩnh hơn con mình, nhưng ông Dũng cũng không thể giấu được vẻ tuyệt vọng trên gương mặt.
Ông Dũng kể, khoảng 20h tối qua, ông nhận cuộc gọi thông báo từ con trai và lập tức chạy xe máy từ Long An lên TPHCM. Tâm trạng thấp thỏm lo cho vợ con và cháu làm ông quên đi tình trạng tuổi cao, mắt kém của mình, mà chạy vội trong đêm.
Bao năm qua, vì miếng cơm manh áo, ông Dũng phải chịu cảnh một mình mưu sinh xa nhà. Tại TPHCM, ông giao công việc ở xưởng gỗ cho con trai tiếp quản, còn ông xuống tận Long An để làm thợ mộc.
“Thử hỏi làm sao không tiếc nuối được, nhà tôi vốn đã nghèo khó, bấy lâu chỉ sống dựa vào thu nhập ở xưởng gỗ. Tài sản của gia đình giờ xem như tan thành mây khói”, ông Dũng nói.
Nhờ sự hỗ trợ của Lực lượng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ nên “biển lửa” ở khu xóm gỗ cũ đã được dập tắt trong tối qua. Thế nhưng, nhà cửa của anh Khỏe, chị Ngọc và một số hộ dân lân cận bị thiêu rụi hoàn toàn sau vụ cháy.
Khi được hỏi về nguyện vọng hiện tại, người dân đều nói trong nghẹn ngào, giờ chỉ mong được hỗ trợ có chỗ “che mưa che nắng”, gầy dựng lại sự nghiệp…